TTC - Loài khỉ sống gắn liền với núi rừng, ở miệt Cà Mau khỉ sống trong rừng đước, rừng tràm; còn ở An Giang khỉ sống trên núi. Trên núi có rừng, có cây ăn quả, có hang động nên khỉ sống thành bầy đàn và khá “an cư lạc nghiệp”.
​Khỉ Thất Sơn
Nếu không gặp đám thợ săn manh động khỉ sống thật vui vẻ và đôi khi còn hiếp đáp người chung quanh. Cách đây khoảng 100 năm thôi, ở vùng Thất Sơn khỉ đông hơn người.
Dãy Thất Sơn thời bấy giờ còn rừng rậm hoang vu hiểm trở, là môi trường thích hợp cho thú dữ sinh sống và sinh sản. Khi bị con người lấn chiếm lãnh thổ, chúng phản kháng quyết liệt vì sự sinh tồn. Khỉ thì ngọn núi nào cũng có, chúng sống bầy đàn, không tấn công người như loài cọp, heo rừng, mãng xà… nhưng phá phách thì chúng là số một. Người đi phát hoang trồng trọt trên núi, sơ ý là nhịn đói vì mo cơm bị chúng lén lấy xơi trước, thậm chí quần áo máng trên cành cây cũng bị chúng cuỗm đi lúc nào không hay, đành mặc quần tà lỏn về nhà.
Ở Thất Sơn có nhiều truyền thuyết, huyền thoại về khỉ. Tương truyền, trên Thiên Cấm Sơn có một vương quốc khỉ. Hầu vương là một con khỉ háo sắc và độc đoán. Tất cả khỉ cái đến tuổi trưởng thành đều phải “phục vụ” hắn. Khi sinh nở xong phải bồng con đến ra mắt hắn, nếu là khỉ cái hắn cho mang về nuôi, còn khỉ đực đều bị hắn bóp trứng dái, trở thành hầu hoạn, không có con khỉ nào thay thế được hắn. Có một con khỉ cái quá xinh đẹp nên dù chưa đến tuổi trưởng thành đã bị hầu vương hãm hiếp. Cô nàng mang thai cùng với mối hận trong lòng. Khi sinh nở, phát hiện con mình là khỉ đực, cô liền bồng con trốn khỏi Thiên Cấm Sơn. Đến Anh Vũ Sơn, cô gặp bầy khỉ hiền lành đùm bọc nên ở lại đây nuôi con khôn lớn. Khỉ con còn được khỉ chúa dạy cho võ nghệ, ngày càng cường tráng và có sức mạnh hơn đồng loại.
Cho đến một ngày, thấy con đã trưởng thành, khỏe mạnh, khỉ mẹ dẫn con trở về Thiên Cấm Sơn để gặp lại họ hàng và cho con ra mắt vua cha. Hầu vương quá bất ngờ và không chấp nhận con khỉ này là con mình, liền ra tay sát hại hai mẹ con. Với sức mạnh của mình, khỉ con chống trả quyết liệt. Lũ khỉ lâu lắm mới thấy có con khỉ trẻ dám chống lại Hầu vương nên quay sang ủng hộ khỉ con và hò hét vang trời. Cuối cùng, Hầu vương vì tuổi cao đành đại bại trước sức trẻ khỏe mạnh của khỉ con. Khỉ con được bầy khỉ tung hô và đưa lên làm Hầu vương. Vị Hầu vương trẻ rất hiếu thảo với mẹ và yêu thương đồng loại, xóa bỏ tất cả hủ tục mà vua cha vì danh vì lợi bày ra để hành hạ đồng loại. Từ đó, vương quốc khỉ ở Thiên Cấm Sơn sống yên bình và phát triển bầy đàn ngày càng đông đảo.
Truyền thuyết khác kể rằng: Ở Ngọa Long Sơn có một cây thị cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Dưới gốc cây thị có một hang đá là nơi trú ẩn của con mãng xà. Trên cây thị là tổ ấm của một bầy sóc vài mươi con. Lũ sóc sống nhờ những quả thị tròn căng thơm phức, ngày ngày ăn no rồi chuyền từ cành này qua cây nọ đùa giỡn. Tất nhiên, chúng không bao giờ dám bén mảng xuống gốc cây vì biết có con mãng xà đang ở đó. Đến mùa thị chín thơm lừng cả một góc trời, bỗng đâu xuất hiện một đàn khỉ. Chúng hái thị ăn nửa bỏ nửa. Ăn no rồi chúng chưa chịu đi mà còn hái trái ném đầy mặt đất. Lũ sóc ức lắm nhưng biết không địch lại lũ khỉ nên đành im lặng. Khi bầy khỉ kéo đi thì ôi thôi, tổ ấm của họ nhà sóc tơi bời xơ xác. Biết lũ khỉ tới phá được lần này ắt sẽ có lần sau, bọn sóc họp bàn kế hoạch đẩy lui đàn khỉ. Mạnh dùng sức, yếu dùng mưu. Đợi đến mùa thị chín tiếp theo, bầy sóc chọn một cành cây có ngọn vừa tầm tới gốc ngay hang mãng xà, thay phiên nhau cạp cho đến khi gần gãy lìa rồi dùng vỏ cây đậy lại, ngụy trang như một nhánh cây bình thường. Quả thật, hôm sau đàn khỉ kéo đến tung hoành cây thị. Lần này lũ sóc không im lặng nữa mà nhảy ra khiêu khích bầy khỉ. Khỉ chúa nổi nóng rượt bắt lũ sóc. Chỉ chờ có thế, lũ sóc nối đuôi nhau chạy ra cành cây đã bị gặm mòn. Khỉ chúa đuổi theo ngay phía sau. Khi cành cây kêu “rắc” một tiếng, lũ sóc nhanh chân phóng qua cành cây khác. Khỉ chúa bị bất ngờ ôm chặt cành cây rơi xuống đất, ngay trước miệng hang mãng xà. Có mồi ngon từ trên trời rơi xuống trước mặt, mãng xà phóng ra cuộn tròn khỉ chúa xơi ngay tại chỗ. Lũ khỉ tái xanh mặt mày hè nhau tháo chạy. Từ đó không còn con khỉ nào dám tới quấy phá giang sơn nhà sóc nữa.
TRỊNH BỬU HOÀI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top